Ticker

6/recent/ticker-posts

Header Ads Widget

gifs website

Tìm giải pháp để doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng góp tốt hơn

Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) hiện chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp Việt Nam và đang đóng góp lớn cho nền kinh tế đất nước. Trước bối cảnh nền kinh tế Việt Nam và thế giới đang có nhiều biến động và khó khăn, các DNNVV này phải đối mặt với nhiều thách thức và rủi ro do thiếu vốn, nguồn nhân lực hạn chế, chi phí đầu vào tăng cao, sức mua giảm, chính sách thay đổi… Cần có những giải pháp để DNVVN đóng góp tốt hơn cho sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.



Vai trò quan trọng
Vai trò DNNVV rất quan trọng trong nền kinh tế, vì chiếm tỷ trọng áp đảo nên đóng góp của DNNVV tổng sản lượng và tạo ra việc làm đáng kể cho xã hội. Với đặc thù quy mô nhỏ, bộ máy tinh gọn nên ở một thời điểm nào đó nền kinh tế biến động, các DNNVV dễ dàng điều chỉnh hoạt động cũng như phương thức kinh doanh. Chính yếu tố này, DNNVV đã góp phần làm cho nền kinh tế thêm năng động. Ngoài ra, các DNNVV thường phát triển theo hướng chuyên môn hóa, sản xuất bán thành phẩm và dịch vụ phụ trợ sẽ là nguồn cung dồi dào cho ngành Công nghiệp sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh.

Theo các chuyên gia, DNNVV là những nhà thầu phụ cho các DN lớn. Sự điều chỉnh hợp đồng thầu phụ tại các thời điểm cho phép nền kinh tế có được sự ổn định. Vì thế, DNNVV được ví là thanh giảm sốc cho nền kinh tế.

Thông thường DN lớn có trụ sở đóng tại các trung tâm kinh tế, DNNVV có mặt ở khắp các địa phương và đóng góp quan trọng vào thu ngân sách, tăng sản lượng và tạo công ăn việc làm ở địa phương.

Rủi ro tiềm ẩn

Hiện nay, DNNVV chiếm trên 95% tổng số doanh nghiệp trên cả nước, chiếm khoảng 60% GDP, tạo hơn 90% việc làm cho xã hội. Tuy nhiên, các DNNVV đã và đang đối mặt với nhiều vấn đề thách thức và khó khăn. Do quy mô vốn nhỏ nên việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng bị hạn chế, đặc biệt là nguồn vốn trung và dài hạn. Đây là rào cản lớn cho sự phát triển DN. Mặt khác, do tác động của nền kinh tế hiện nay, các DNNVV đang gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh như hàng tồn kho cao, lợi nhuận sụt giảm mạnh, thị phần suy yếu.

Hiện nay, máy móc, thiết bị đang được sử dụng ở các DNNVV chỉ có 10% hiện đại, 38% trung bình và 52% là lạc hậu và rất lạc hậu. Tỷ lệ sử dụng công nghệ cao mới rất thấp so với các nước trong khu vực mới chỉ đạt 2%. Nguồn vốn đầu tư cho đổi mới công nghệ rất thấp, chỉ khoảng 0,2% - 0,3% tổng doanh thu... Trình độ thiết bị công nghệ trong các DNNVV lĩnh vực tư nhân chỉ bằng 3% mức trang bị kỹ thuật trong các DN lớn... Thực trạng này đang đặt ra những thách thức lớn đối với năng lực cạnh tranh của DNNVV trong khu vực nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay.

Trình độ, năng lực tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị DN của DNNVV còn hạn chế, nhiều DN chưa có chiến lược kinh doanh mà vẫn chủ yếu kinh doanh dựa trên kinh nghiệm, kinh doanh theo phi vụ. Tầm hoạt động và mạng lưới phân phối sản phẩm hẹp, hoạt động xúc tiến thương mại còn giản đơn, sơ lược và không có hiệu quả thiết thực. Kiến thức quản trị và kỹ năng, kinh nghiệm quản lý của lãnh đạo và quản lý của DNNVV còn hạn chế. Phần lớn các chủ DN và giám đốc DN tư nhân chưa được đào tạo một cách bài bản về kiến thức kinh doanh, quản lý, kinh tế - xã hội, luật pháp...

Vượt qua khó khăn

Để DNNVV vượt khó khăn và phát triển ổn định cần đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, giảm chi phí gia nhập thị trường của DNNVV, khai thông thị trường vốn & giảm lãi suất để DNNVV dễ tiếp cận với nguồn vốn hơn… Chính phủ và các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường sự hỗ trợ về vốn, cơ chế, chính sách, luật pháp, xúc tiến thương mại, giáo dục - đào tạo, tư vấn về thiết bị, công nghệ hiện đại...

Nhà nước cần xem xét giảm thuế GTGT, không tăng các loại thuế và phí khác. Đồng thời nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của hệ thống ngân hàng trên các mặt như: Thanh khoản, nợ xấu. Hệ thống ngân hàng phải thực sự “đồng cảm và chia sẻ” với khó khăn của DN và khó khăn của nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.

Ngoài ra, DNNVV phải coi mình như chủ thể chính của quá trình vượt qua khó khăn hiện nay, tránh trông chờ, ỷ lại tất cả vào Nhà nước. Cần phát huy tinh thần chủ động, tích cực tìm lối thoát trong khó khăn, chủ động tháo gỡ các khó khăn trong quá trình tiếp cận các nguồn lực xã hội; chủ động vận động theo chính sách của Nhà nước để đón nhận càng nhiều càng tốt các hỗ trợ từ phía Nhà nước. Bên cạnh đó, phải tích cực phát triển thị trường mới nhằm giảm hàng tồn kho, phát triển sản phẩm mới, hàng hóa mới để có chỗ đứng ngày càng vững chắc hơn trên thị trường…
 
x

ĐĂNG KÝ DỊCH VỤ

ảnh viền