Kinh tế suy thoái, đình trệ dẫn đến hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) phải ngừng hoạt động hoặc giải thể. Đó là một trong những nguyên nhân khiến ngân sách nhà nước (NSNN) bị hụt thu. Tuy nhiên, bên cạnh những nguyên nhân khách quan, thực trạng chây ỳ, nợ đọng thuế, đặc biệt là âm mưu chuyển giá, trốn thuế của nhiều DN lớn đang khiến nguồn thu của nhà nước bị thất thoát nặng nề.
Hụt thu nghiêm trọng
Theo báo cáo của Tổng cục Thuế, tình hình thu NSNN tháng 8/2013 ước đạt 38.100 tỷ đồng, bằng
5,9% so với dự toán. Kết quả thu 9 tháng đầu năm ước đạt 390.712 tỷ đồng, bằng
60,6% so với dự toán.
Theo nhận định của một cán bộ ngành Tài chính, thời
điểm này hàng năm, thu ngân sách phải đạt được tiến độ 80% thậm chí hơn 85% kế
hoạch. Vậy nhưng, năm nay, kế hoạch thu chỉ đạt mức nhích hơn 60% một chút, cho
thấy, ngân sách năm nay bị hụt thu nặng nề.
Đánh giá về nguyên nhân gây nên thực trạng này, nhiều
ý kiến cho rằng, là do suy thoái kinh tế, sức mua yếu, tồn kho nhiều, các DN sản
xuất, kinh doanh trên cả nước đều gặp khó khăn cả đầu vào lẫn đầu ra. Đầu vào
chịu ảnh hưởng của lãi suất khi lãi suất cho vay của các ngân hàng tuy có giảm,
nhưng vẫn còn quá cao từ 11% -13%/năm. Trong khi đó, thị trường tiêu thụ trong
hầu hết các mặt hàng đều đã chững lại cả ở nội địa và quốc tế.
Tuy nhiên, không thể không nhận thấy, một trong những
nguyên nhân hàng đầu của thực trạng này phải kể đến những thủ đoạn của nhiều DN
trong việc cố tìm mọi cách để trốn thuế. Điển hình là chiêu trò chuyển giá trốn
thuế của những DN tầm cỡ "ông lớn” có vốn đầu tư nước ngoài.
Là một đại gia trong thị trường đồ uống, có mặt ở hầu
hết các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam và thường xuyên có xu hướng mở
rộng thị phần song, Coca – Cola liên tục báo lỗ. 10 năm hoạt động ở Việt Nam,
chưa một năm nào DN này có một báo cáo kết quả kinh doanh sáng sủa.
Cũng là một đại gia có tiếng tăm, Công ty TNHH Metro
Cash & Carry Việt Nam, sau 11 năm mở rộng đến 19 trung tâm bán sỉ trên toàn
quốc song vẫn chưa thấy có một đồng lãi nào. Thật nực cười ở chỗ, dù doanh thu
tăng liên tục qua các năm nhưng kết quả kinh doanh của công ty này lại… lỗ triền
miên. Cụ thể, năm 2007 doanh thu đạt hơn 6.607 tỉ đồng, nhưng số lỗ là 157 tỷ.
Năm 2008 doanh thu lên tới 8.175 tỉ đồng
song vẫn báo số lỗ trên 190 tỉ đồng. Năm 2009 doanh thu đạt 8.728 tỉ đồng, số lỗ
cũng rất ấn tượng: 160 tỉ đồng. Tiếp đó, năm 2011, DN này lại khai lỗ 89 tỷ đồng.
Coca – Cola hay Metro chỉ là những trường hợp điển
hình của thực trạng "lỗ giả lãi thật” của nhiều DN FDI ở Việt Nam hiện
nay. Và đương nhiên, khi đã kêu lỗ, thì
DN lấy tiền đâu ra để nộp thuế. Kết cục là, các đại gia vẫn ung dung hoạt động
mà không phải nộp một đồng thuế thu nhập DN.
Quyết liệt với những hành vi gian lận
Tổ chức ActionAid tại Việt Nam đưa ra nhận định rằng,
hầu hết các công ty đa quốc gia đều có những kịch bản lách thuế, chuyển giá
tương đối giống nhau. Họ mở chi nhánh tại một nước có mức thuế thấp để hưởng
các ưu đãi về thuế, rồi tiến hành các chiêu chuyển giá, chuyển lợi nhuận sang
công ty mẹ bằng cách nhập máy móc, dây chuyền, nguyên liệu, nộp phí nhượng quyền...
với giá cao ngất ngưởng. Hành vi này đã khiến các nước đang phát triển thất
thoát hàng tỷ USD tiền thuế mỗi năm. Và Việt Nam cũng là một trong những nạn
nhân của hành vi này. Cho dù chưa có những kết quả nghiên cứu điều tra cụ thể
được công bố trên toàn quốc, song điều mà ai cũng có thể dễ dàng nhận ra rằng,
tình trạng chuyển giá, trốn thuế là một trong những nguyên nhân gây thất thoát
rất lớn cho nguồn NSNN.
Theo Bộ Tài chính, một trong những mối quan tâm hàng
đầu của Bộ hiện nay chính là nỗ lực tìm các giải pháp để chống chuyển giá và
gian lận giá nhằm ngăn chặn thực trạng thất thu ngân sách. Và để thực thi Chiến
lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011- 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban
hành quyết định về Chương trình hành động kiểm soát hoạt động chuyển giá giai
đoạn 2011- 2015.
Dù vậy, theo giới luật gia, các quy định, chế tài của
nước ta chưa đủ mạnh để điều chỉnh vấn đề thuế, chuyển giá đối với các công ty
đa quốc gia. Và khi vẫn còn quá nhiều lỗ hổng trong chính sách của nước sở tại,
sẽ không chỉ có Coca – Cola, Metro, hay Adidas… mà còn rất nhiều những DN khác
nữa sẽ tiếp tục giở mánh "chuyển giá trốn thuế” hòng tìm kiếm lợi nhuận kếch
xù. Do đó, việc siết chặt quy định, nâng cao chế tài và siết các lỗ hổng trong
quản lý sẽ là giải pháp quan trọng để ngăn chặn cách hành vi này của các DN
FDI.
Ngoài ra, một trong những giải pháp được kỳ vọng sẽ
là công cụ hữu hiệu chống chuyển giá chính là APA -Thỏa thuận trước về phương
pháp xác định giá tính thuế. Văn bản thực hiện phương pháp này đang được Bộ Tài
chính gấp rút xây dựng với quyết tâm chống chuyển giá gây thất thu ngân sách
nhà nước. Theo ý kiến của một số cán bộ ngành Thuế, khó khăn lớn nhất trong chống
chuyển giá chính là xác định được giá thị trường, giá giao dịch độc lập. Do đó,
APA sẽ là công cụ hỗ trợ rất đắc lực cho công tác chống chuyển giá ở Việt Nam.