Sau khi chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, nếu đủ điều kiện theo luật định, người lao động sẽ được hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Theo quy định tại điều 16 Nghị định 28/2015/NĐ-CP, hồ sơ hưởng bảo hiểm thất nghiệp bao gồm: Đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp; Bản chính hoặc bản sao có chứng thực của một trong các giấy tờ xác nhận về việc chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc: Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng; Quyết định thôi việc; Quyết định sa thải; Quyết định kỷ luật buộc thôi việc; Thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc; Sổ BHXH.
Ngoài ra, người lao động cũng cần mang theo Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân và sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú kèm theo bản gốc để đối chiếu.
Sau khi có đủ hồ sơ, người lao động thực hiện theo trình tự sau: Bước 1, nộp hồ sơ tới trung tâm dịch vụ việc làm.
Để được nhận tiền bảo hiểm thất nghiệp nhanh nhất, người lao động cần chuẩn bị đủ hồ sơ để làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp |
Bước 2. Giải quyết hồ sơ. Cũng theo Nghị định 28, cụ thể khoản 1, điều 18, trong vòng 15 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, người lao động chưa tìm được việc làm thì trung tâm giới thiệu việc làm thực hiện xác nhận giải quyết hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ, trung tâm giới thiệu việc làm ra quyết định duyệt chi trả trợ cấp thất nghiệp kèm theo sổ BHXH có xác nhận trả cho người lao động
Thời điểm hưởng trợ cấp thất nghiệp được tính từ ngày thứ 16 theo ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp.
Bước 3. Nhận tiền chi trả trợ cấp thất nghiệp. Trong trường hợp được nhận trợ cấp thất nghiệp, theo khoản 2, điều 18, trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định chi trả trợ cấp thất nghiệp, cơ quan BHXH tại địa phương thực hiện chi trả tiền trợ cấp tháng đầu tiên cho người lao động kèm theo thẻ BHYT.
Hàng tháng, cơ quan BHXH chi trả trợ cấp thất nghiệp trong vòng 12 ngày tính từ ngày hưởng trợ cấp thất nghiệp tháng đó nếu không nhận được quyết định tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Ví dụ: Ngày 1-1-2020, người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm. Ngày 20-1-2020, trung tâm dịch vụ việc làm ra Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho người lao động. Ngày bắt đầu tính hưởng trợ cấp thất nghiệp là ngày 16-1-2020. Ngày chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên: Từ 20-1 đến 25-1-2020. Ngày chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 2: Từ 16-2 đến 27-2-2020. Ngày chi trả trợ cấp thất nghiệp tháng thứ 2: Từ 16-3 đến 27-3-2020.
Bước 4. Hàng tháng thông báo tìm kiếm việc làm. Khoản 1, điều 19 Nghị định này còn quy định, hàng tháng người lao động phải đến trung tâm dịch vụ việc làm để thông báo về việc tìm kiếm việc làm trong thời gian đang hưởng trợ cấp thất nghiệp (theo đúng lịch hẹn kèm theo Quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp).
Theo NLĐ